Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Đôi nét về âm nhạc dân gian của người Mạ

Bài đăng

Đôi nét về âm nhạc dân gian của người Mạ

Người Mạ là một cộng đồng người thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, được xếp hàng thứ 28 trong 54 dân tộc anh em. Người Mạ được xếp trong tiểu nhóm Mnông cùng các thành phần dân tộc Mnông, Kơho, Xtiêng, Chơ ro, sinh sống nhiều tại huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú tỉnh Đồng Nai. Họ cư trú chủ yếu theo địa hình đồi núi hay tập trung ven sông để thuận tiện cho việc sản xuất và sinh sống.

Văn hóa người Mạ nổi bật với kho tàng văn học dân gian phong phú, không gian văn hóa cồng chiêng kiệt tác, vùng sinh thái và văn hóa huyền thoại, những lễ nghi thần bí, các điệu múa khỏe khoắn, dân dã là tài sản quí giá của nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm tô thắm nền văn hóa đó, chúng ta không thể không kể đến công lao đóng góp của cư dân người Mạ trong đó có nền âm nhạc dân gian đặc sắc của họ.

Các loại hình nhạc cụ của người Mạ: người Mạ dùng nhiều loại nhạc cụ trong sinh hoạt đời sống của mình trong đó có bộ chiêng, cồng, đàn tre, kèn bầu, kèn môi, kèn sừng trâu, sáo trúc, đàn đá…

Đàn đá: theo nhiều tư liệu cộng đồng người Mạ đã từng sử dụng đàn đá nhưng không phổ biến và cho tới nay thì người Mạ không còn lưu giữ bộ đàn đá nào. Người Mạ sử dụng đàn đá rất thuần thạo, trong các lễ đâm trâu, người Mạ đem các thanh đá ra, dùng một khúc cây đánh liên hồi tạo ra chuỗi âm thanh. Sau buổi lễ, các thanh đàn đá được bôi huyết trâu và đem về cất giữ cẩn thận, lễ sau lại đem ra dùng.

Đàn tre: đây cũng là loại nhạc cụ khá phổ biến trong cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa ở miền Đông Nam Bộ như Xtiêng, Chơro. Khi sử dụng ngón cái khẩy xuống, các ngón khác móc lên, tư thế đứng hoặc ngồi. Người chơi đàn có thể độc tấu các bài bản ngoài những giai điệu của nhạc cụ chính. Đặc biệt nhạc cụ này có một điểm riêng khi độc tấu các bài bản của chinh thì chỉ cần một người, trong khi một dàn chinh cần phải có từ 6 – 7 người thì mới biểu diễn được.

Kèn môi (Tồng): người Mạ giải thích tồng tức là chòi, kèn tồng được thổi ở chòi. Khi dùng gắn lên môi để thổi còn gọi là kèn môi. Giai điệu rất nhẹ và thanh, người Mạ dùng kèn môi khi canh chòi giữ rẫy hoặc người thanh niên bày tỏ tình cảm với người con gái mà mình yêu mến, và thường ngồi ở gốc cây hay gần nhà cô gái thổi để cô gái hiểu được tình cảm của mình.

Kèn T’diếp: loại kèn này giống như kèn tù và, được làm bằng sừng bò hoặc sừng linh dương. Âm thanh của nó to, thôi thúc, giục giã, làm cho thú rừng sợ hãi, phục vụ tốt cho việc săn bắn, báo tin cho dân làng biết khi có hiểm họa, chiến tranh,…

Kèn bầu: kèn này được làm từ trái bầu, dân gian gọi là bầu khô lấy hết ruột để rỗng, chế ra cái kèn rất độc đáo. Kèn bầu thường được biểu diễn trong các dịp giao lưu kết bạn, các sinh hoạt gia đình, ngoài ra còn được kết hợp biểu diễn cùng cồng chiêng trong một số lễ hội. Tuy nhiên hiện nay rất ít người thổi được kèn này, do đó kèn bầu cũng không còn nhiều như trước kia.

Cồng, chiêng: làm bằng kim loại, chủ yếu là đồng và có pha với một số hợp kim khác, đây là loại nhạc cụ vô cùng quan trọng của người Mạ và họ còn gọi với cái tên là: Ching, Goong. Nhạc cụ này gắn liền với đời sống người Mạ, vừa là tài sản quý nhưng cũng đồng thời là vật thiêng trong nhà. Cồng, chiêng thường được sử dụng trong một số lễ hội giao lưu văn hóa của cộng đồng cư dân, từ những lễ hội quy mô nhỏ mang tính chất gia đình đến những lễ hội của buôn làng. Ngoài ra, còn được sử dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng giao lưu giữa các cư dân trong buôn. Khi sử dụng cồng, chiêng người Mạ đều làm lễ cúng với lễ vật là một con gà, không kể lớn nhỏ, lấy huyết bôi lên nhạc cụ để trình khẩn thần linh xin phép.

Loại hình dân ca của người Mạ: Các bài hát dân ca Mạ phần lớn là những bài tự sự, nội dung không dài và ca từ rất mộc mạc. Dân ca Mạ thường là các bài hát ru, đồng dao, các bài hát trong lao động - sinh hoạt, hát về tình yêu,…

Hát ru của người Mạ có giai điệu nhịp nhàng và hình tượng thế giới sinh động, các hiện tượng tự nhiên, về nỗi niềm của người mẹ và chủ yếu ru cho trẻ thơ say sưa trong giấc ngủ ngon để mẹ đi làm việc: Ầu ơ, ầu ơ…ơ… / Mẹ xuống suối lấy nước / Bố vào rừng lấy củi / Mẹ lấy gạo ngâm men / Mẹ đi xem lễ hội / Ầu ơ, ầu ơ…ơ…

Đồng dao là thể loại bài hát dành cho thiếu nhi, khác với đồng dao người Việt, đồng dao người Mạ được hát theo nhịp và kèm theo giai điệu nhạc. Giai điệu nhạc gọn gàng và những nhịp phách rất đều, phù hợp với kiểu vừa chơi vừa hát. Đồng dao được hát khi bọn trẻ thả diều, trẻ vừa thả vừa hát để xem diều ai bay cao hơn, hay khi chăn trâu vừa gõ sừng trâu vừa hát, thi nhau chơi các trò nhảy lò cò,…Nội dung bài đồng dao thường đề cập đến con người xinh đẹp nhất là các cô gái trong buôn cho đến các con thú trong rừng, cây cối, con vạc, cây gáo, nàng tiên, chim, hoa: …Chim tung ra tiếng hót, hoa nở xinh đẹp, cô gái buôn làng ta, đẹp như cỏ trắng…

Các bài hát trong lao động, sinh hoạt sản xuất: chiếm số lượng khá nhiều trong người Mạ, đề cập đến những cảnh sinh hoạt thường ngày và ca ngợi núi rừng, thiên nhiên chính nơi họ đang sinh sống. Các hình ảnh sinh động: đi rẫy, chăn trâu, xuống suối lấy nước, vào rừng lấy củi, chẻ mây,…hay những hình ảnh làm rượu cần, đi xem lễ hội, kéo co, ca hát,…Nhạc điệu khỏe mạnh, giai điệu mượt mà, lời ca kêu gọi cùng đoàn kết, tạo sức mạnh và ý chí chiến thắng: Kéo lên nào bạn ơi / Ta cùng chung sức bạn ơi / Chiến thắng lên nào bạn ơi.

Bài hát tình yêu: là những bài hát đối đáp giao duyên của người Mạ rất mượt mà, dịu dàng, đầy tình cảm. Lời bài hát là lời tâm tình, bộc bạch của nỗi lòng, cách suy nghĩ và lời cầu mong, mơ ước của thanh niên nam nữ, lời hát chân chất, thật lòng. Khi giữa thanh niên nam nữ nảy sinh tình cảm, họ hát nhưng chính là kể về những kỷ niệm, lời kể đằm thắm, chân tình nhưng sâu lắng: Chỉ có một mình em lòng anh thương nhớ / Đêm nằm ngủ nghĩ mãi đến em / Lòng anh không yên nhớ em trong mơ mộng.

Loại hình Tăm pớt: là loại hình hát kể đối đáp giao duyên khi đôi trai gái nảy sinh tình cảm, bài hát đầy tâm tình, cảm xúc giữa nam và nữ bày tỏ tình cảm, thổ lộ nhiều mong muốn, mơ ước của mình, đôi nam nữ đối đáp với nhau bằng nhiều hình ảnh ví von, so sánh rất độc đáo. Lời ca vừa như thầm thì vừa như yêu cầu người yêu tuôn trào với bao hình ảnh phong phú, những ẩn ý đầy thú vị: Đừng để cán rìu không có người sử dụng / Đừng để màn đên bao phủ mối tình / Như những chiếc đò không bến đợi / Đừng như cây dầu lẻ giữa rừng già.

Cộng đồng Mạ có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, những giá trị di sản văn hóa của người Mạ thể hiện qua tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa, văn học nghệ thuật dân gian khá độc đáo. Mặc dù bị nhiều yếu tố tác động, biến đổi, giá trị truyền thống dần mai một do thế hệ trẻ ít quan tâm đến di sản văn hóa cộng đồng trong đó phải kể đến những hạn chế do các phương tiện đa truyền thông tác động, nhưng bên cạnh đó cũng mang tính tích cực như loại bỏ những hủ tục, mê tín, tập tục hà khắc, thủ tục rườm rà,…góp phần làm đẹp thêm nền văn hóa đậm đà giàu bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn hóa người Mạ / Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng.  – Nxb. Văn hóa dân tộc, 2013.

2. Người Mạ ở Việt Nam / Phạm Tuân, Thúy Hằng. – Nxb. : Thông tấn, 2014

3. Địa chí Đồng Nai, tập 5: Văn hóa – xã hội. – Nxb. Đồng Nai, 2001.

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.