Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > RƯỢU CẦN VÀ CỒNG CHIÊNG NGÀY TẾT CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Bài đăng

RƯỢU CẦN VÀ CỒNG CHIÊNG NGÀY TẾT CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Không biết rượu cần có từ bao giờ, rượu cần lại gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào các dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng, Kơho,… là các dân tộc bản địa, có lịch sử cư trú lâu đời ở Đồng Nai. Uống rượu cần trở thành phong tục, thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người dân tộc. Rượu cần là một thức uống luôn có mặt trong các dịp lễ hội, các cuộc vui, đón khách quý hay bạn bè phương xa. Vì thế mỗi chén rượu cần chính là sợi dây gắn kết từng cá nhan với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, trong đời sống,…

Những vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống thường có tục uống rượu cần và đánh cồng chiêng vào các dịp lễ hội, vui tết. Đây là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc. Theo truyền thống, nếu tháng ba âm lịch được xem là tháng tết quan trọng của đồng bào sau khi đã thu hoạch xong mùa vụ và chuẩn bị cho mùa vụ mới thì những thập niên gần đây, các tộc người bản địa ở Đồng Nai cũng như một số tộc người anh em khác cùng có thêm niềm vui chung đón xuân cổ truyền của người Kinh. Vào ngày ấy, họ cũng trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ đạc và làm rượu cần để mừng chào đón năm mới.

Vượt qua dòng suối Sa Mách, chúng tôi tìm đến nhà già làng Năm Nổi. Vừa vào đến nhà thì các con của ông cũng vừa đi rừng về. Bốn chiếc gùi to để trên sàn đầy ắp những loại cụ, rễ, vỏ, lá… cây rừng dùng làm men rượu để chuẩn bị đón “tết Kinh” và tết dân tộc như đồng bào ở Tà Lài. Cả thảy có hơn bốn mươi loại với nhiều mùi hương và công dụng khác nhau. Điều này xét về khía cạnh nào đó đã phản ánh rõ nét đặc thù của một dân tộc ít người sống nhờ vào rừng núi, lệ thuộc thiên nhiên. Hiện nay, trong các buôn làng dân tộc, không phải bất kỳ ai cũng biết làm rượu cần và việc pha chế được ché rượu ngon lại càng là điều đáng nói. Dù có đôi lần được dịp thưởng thức rượu cần của đồng bào dân tộc ở Tà Lài, Bàu Trâm, Xuân Trường, Túc Trưng…, trong thâm tâm chúng tôi vẫn thích dự vị rượu cần do già làng Năm Nổi đặc chế. Nó có những độc đáo riêng khiến người đã từng nếm qua không dễ gì quên được.

Dù đón “tết Kinh” hay tết của dân tộc mình, đồng bào cũng đều có sự chuẩn bị. Riêng đối với tết truyền thống của dân tộc mình, đồng bào sẽ tổ chức công phu và thực hiện những nghi thức cúng tế trang trọng. Trong lúc quây quần vui vẻ bên nhau sẽ chẳng thể nào thiếu vắng tiếng cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ, các bài hát, điệu múa và rượu cần bao giờ cũng được xem là loại đặc sản dùng để thết đãi mọi người. Để có được rượu cần, chủ nhân phải có sự chuẩn bị từ rất sớm và việc chế biến cũng lắm công phu, từ khâu làm men cho đến lúc miệng ché được gài chặt lại.

Rượu cần được ủ trong vò, chĩnh hay ché, cũng gần giống như rượu nấu, nhưng khi uống thì đổ nước vào. Rượu ngon hay không một mặt tùy thuộc vào loại lương thực, nguyên liệu làm men nhưng điều quyết định hơn cả là kinh nghiệm, bí quyết pha chế mà có hương vị khác nhau. Rượu ủ càng lâu càng ngon, nhưng người đặc chế phải có kinh nghiệm và phương pháp để rượu không bị hư hoặc khô. Thông thường, chỉ một tháng là uống được. Rượu có màu đục lờ lờ, ngay ngáy mùi lá tươi, nếu uống nhiều cũng bị say không kém gì rượu đế của người Kinh. Trong tiệc rượu cần, mọi người đều tự nguyện tham gia, tự nguyện nhận thưởng, nhận phạt bình đẳng như nhau. Để uống được rượu, phải sử dụng cần được làm bằng cây trúc, mỗi lượt có thể từ hai đến bốn người cùng thưởng thức. Để trấu không nổi lên, dùng lá chuối khô hoặc lá trung quân lèn lên trên cùng của ché rượu sau khi đã khui lớp tro bếp đậy miệng ché và cắm cần vào. Sau khi đổ nước vào, chủ nhân phải uống thử, khi đã vừa ý thì mời người khách quý nhất uống trước, và khi cần đã đưa cho ai thì người đó không được từ chối.

Định mức uống nhiều hay ít do hai bên bàn bạc và chủ nhà sẽ làm trọng tài theo dõi, với cách tính là lượng nước đổ châm thêm vào ché và được đo bằng thanh cò gọt đẽo tử mãnh thanh tre. Khi nào cò không còn chấm mặt nước thì đã uống đủ lượng rượu theo quy định. Trước đây, theo truyền thống, đồng bào thường dùng sừng trâu để đong nước. Cứ uống cạn “một trâu” tức là hai sừng. Ngày nay định mức ấy được tính bằng chén hoặc tô. Điểm độc đáo dễ nhận thấy trong tiệc rượu cần là chế độ mẫu hệ vẫn còn ảnh hưởng trong sinh hoạt tinh thần của đồng bào, bởi lẻ tùy thuộc vào mức độ quan hệ và tuổi tác, người nữ bao giờ cũng được mời uống trước.

Rượu cần vừa rất thực, vừa rất thiêng. Đến bất cứ nhà nào của đồng bào các dân tộc Chơ ro, Mạ, S’tiêng, Kơho,… ở các huyện tỉnh Đồng Nai trong những ngày Tết, mọi  người sẽ thấy ít nhất năm, bảy ghè rượu xếp thành hàng, ngay ngắn bên vách sàn.

Sẽ là thiếu sót và thiệt thòi lớn cho khách miền xuôi lên dự tiệc rượu cần mà không thưởng thức được âm vang của làn điệu cồng chiêng. Đối với đồng bào dân tộc, cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo và quý giá nhất. Mỗi bộ tính giá bằng dăm ba con trâu là chuyện bình thường. Được sở hữu một bộ cồng hoặc chiêng là sở hữu một tài sản có giá trị lớn về vật chất cũng như tinh thần.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con  người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời. Tiếng cồng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng; trong lễ mừng lúa mới thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã, chiêng bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn….

Giống như nhiều dân tộc ít người khác sinh sống trên dọc dãy Trường Sơn, trong vốn âm nhạc cổ truyền của các tộc người bản địa ở Đồng Nai, nghệ thuật cồng chiêng nổi lên như một viên ngọc sáng. Cồng chiêng gắn bó với cộng đồng dân tộc như máu thịt, nó trở thành biểu tượng cho sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của đồng bào. Nghệ thuật cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng của các tộc người bản địa Đồng Nai mang nhiều nét chung của cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời cũng có rất nhiều yếu tố độc đáo, mang tính đặc thù của dân tộc mình, tự thân nó khẳng định được chỗ đứng vững chắc, một giá trị đáng tự hào trong đại gia đình cồng chiêng Việt Nam.

Mỗi bộ cồng hoặc chiêng có trung bình từ năm đến bảy chiếc. Từng chiếc có âm thanh và ý nghĩa riêng biệt. Người được chọn đánh cồng chiêng thường là các cụ già hoặc những người am hiểu niêm luật chặt chẽ và tiết tấu của thanh điệu cồng chiêng. Trong âm vang hùng tráng, thôi thúc, những người tham gia biểu diễn dàn nhạc hòa tấu cồng chiêng cùng nhảy múa thật hào hứng, sôi động và hầu như quên hết những hệ lụy của cuộc sống đời thường.

Cứ sau mỗi tuần rượu cần, tiếng cồng chiêng lại nổi lên tưng bừng, rộn rã. Và sau đó tạm ngưng lại nhường chỗ cho những lời hát đối đáp, những bản trường ca, những bài ca dao, dân ca được diễn đạt bằng tiếng dân tộc, đôi khi pha lẫn bài hát của người Kinh. Trong lễ hội truyền thống, đồng bào tái hiện và biểu diễn những giá trị văn hóa dân gian truyền thống mang tính tiêu biểu, đặc trưng của dân tộc mình, mang đậm sắc thái của cộng đồng dân tộc đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, gây nhiều ấn tượng không dễ gì quên.

Rượu cần và cồng chiêng – nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đã giữ vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa dân gian các tộc người bản địa ở Đồng Nai, mang nhiều sắc thái cổ kính mà cũng rất trẻ trung.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.