Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Tục lệ hôn nhân của Người Mạ

Bài đăng

Tục lệ hôn nhân của Người Mạ

Người Mạ không có chữ viết. Những phong tục tập quán được các thế hệ duy trì của đời sống được cho là từ tri thức của cộng đồng, thông qua luật tục N’dri. Luật tục của người Mạ đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống và được xem là những chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận. Chính những thế hệ đi trước thực hành và hế hệ sau tiếp tục nhìn thấy, noi học, làm theo và duy trì.

Trong số những nét văn hóa độc đáo về phong tục, tập quán từ xa xưa của người Mạ, tôi thú vị nhất vớitục lệ của họ về hôn nhân.

Hôn nhân của người Mạ ở Đồng Nai theo chế độ phụ hệ, một vợ một chồng và tuyệt nhiên không có quan niệm trọng nam khinh nữ. Thanh niên Mạ lớn lên khoảng 15 - 17 tuổi được được tự do tìm hiểu, bày tỏ tình cảm qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc. Ngoại trừ những trường hợp bố mẹ có hôn ước cho con từ thuở nhỏ, đứa trẻ lớn lên sẽ phải tuân theo và không được tự do lựa chọn bạn đời.Trước đây khi chọn dâu, rể, các bậc cha mẹ thường đánh giá vào năng lực làm việc, sức khỏe và đức hạnh. Chọn dâu họ xem nhà bếp có ngăn nắp hay cẩu thả, bề bộn và chú ý xem cô gái có bị cộng đồng “lời ra tiếng vào”, dèm pha về đạo đức hay không? Muốn chọn rể, họ xem công cụ của người con trai như chà gạc, gùi, dao… có bền, chặt bén hay không.

Lễ đám nói:

Khi hai người đồng ý sống cùng nhau, chàng trai sẽ về thông báo với gia đình để chuẩn bị sính lễ đến nhà cô gái làm đám nói (lễ dạm nói). Người con trai muốn đính hôn với một người con gái thì phải biếu bố mẹ vợ tương lai nhiều món quà quý, thường là một ché rượu, một con gà, một số tặng phẩm như chuỗi hạt đeo cổ, lục lạc, lược sừng và một số đồ trang sức nhỏ khác theo ý thích của người vợ tương lai. Sau đó, bên nhà trai sẽ nhờ một người có uy tín trong họ hàng để “làm mai” dẫn đến nhà gái.

Tiến trình nhà trai đến nhà gái dạm mối vợ cho chàng trai theo tập quán như sau: khi nhà trai đến nhà gái, chàng trai mặc chiếc khố tua đỏ, tay đeo nhiều vòng đồng, tóc cài lược sừng trâu, búi tóc cắm hai lông chim trắng dài. Đến trước nhà gái, chàng trai cắm mũi lao xuống đất, vai vẫn vác chà gạc, lưng đeo dao. Khi họ hàng nhà gái ra đón, chàng trai trình bày mục đích nếu được thuận tình chàng trai rút dao bước vào nhà, đến khấn trước bàn thờ yang và dắt dao lên mái nhà để đó 7 ngày. Hai gia đình vui mừng tiệc tùng, uống rượu cần vui vẻ. Sau đó, nhà trai đi về, chàng trai ở lại nhà gái tham gia làm lụng ở đây như một thành viên trong gia đình. Tuy được ở lại, nhưng chàng trai không được chung sống trong nhà mà phải làm một túp lều nhỏ xa buôn để sống với nhau.

Trang phục của cô gái sẽ khoác lên người một bộ váy với nhiều hoa văn đặc trưng rất đẹp mắt của người Mạ, kèm theo những phụ kiện như chiếc đai lưng màu sặc sỡ, đeo nhiều chuỗi vòng có đính hạt cườm. Cô gái cũng giống như chàng trai, búi tóc và cài lược sừng trâu nhưng được cắm thêm con dao nhỏ.

Lễ dạm hỏi:

Lễ dạm hỏi được nhà gái tổ chức khi nhà trai đến. Khi tiến hành lễ dạm hỏi, tùy theo kinh tế của nhà trai mà có sự chuẩn bị tặng lễ vật cho nhà gái như: một cái ché, một con gà đã làm thịt, trang sức gồm vòng, lược, chuỗi hạt cườm… Lễ dạm hỏi thường tổ chức trước bảy đến mười ngày tổ chức lễ cưới. Trong lễ hỏi, nhà  trai và nhà gái phải đồng thuận về của thách cưới và về thời gian cưới cho chàng trai và cô gái.

Lễ cưới:

Một đám cưới của người Mạ theo truyền thống thường kéo dài nhiều ngày. Đám cưới tổ chức tại nhà trai. Theo thỏa thuận trong đám hỏi, khi ngày cưới đến, nhà gái sang nhà trai. Trong đoàn đại diện nhà gái đều có những người biết đánh cồng cùng đi theo để tấu lên những bản nhạc có âm điệu rộn rã, báo tin mừng vui, đón khách. Trong đoàn rước, cô dâu vận bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc, chân tay và cổ được đeo nhiều đồ trang sức. Đặc biệt, cô dâu mang một chiếc gùi đựng một ít củi đem qua nhà chồng.

Trong nghi lễ cưới, người Mạ cho chú rể và cô dâu nằm gần nhau trên sàn nhà trước mặt những người thân và lấy một tấm mền thổ cẩm có nhiều hoa văn phủ lên họ. Đây là nghi thức báo cho mọi người biết về cuộc sống chung của đôi vợ chồng trẻ, một gia đình mới trong dòng họ. Đám cưới thường kéo dài nhiều ngày, sau đám cưới, đôi vợ chồng mới về ở bên nhà vợ. Tùy vào thời gian nào mà nhà trai trả được của thách cưới thì mới được phép đưa vợ về sống bên nhà chồng.

Một số tập tục liên quan trong hôn nhân:

Tục thách cưới:Trước đây, tục thách cưới thùy theo hai bên gia đình của chàng trai và cô gái yêu nhau.  Nhà trai phải nộp sính lễ theo yêu cầu của nhà gái. Nếu đồng ý thì nhà trai mới được cưới cô gái cho con trai mình. Nhiều chàng trai và cô gái vì tục thách cưới với “giá cao” mà không đến được với nhau. Nhưng trong tục thách cưới của người Mạ có chế độ “mở” cho nhà trai và chú rể. Nếu nhà trai không có đủ lễ vật hoặc tài sản trong lúc cần cưới thì nhà gái đồng ý cho trả nợ nhiều lần sau khi đã tổ chức lễ cưới.

Phạt có thai trước khi cưới:Trong quá trình tìm hiểu, yêu nhau, nếu chàng trai và cô gái để xảy ra chuyện “có thai trước” thì khi tổ chức cưới sẽ bị làng xử phạt. người Mạ quan niệm, nếu xảy ra trường hợp này thì không chỉ người trong cuộc mà dân trong làng cũng bị thần linh quở trách, giáng dịch bệnh xuống cộng đồng. Do đó, phải tổ chức một lễ cúng để cầu khấn thần linh về sự tha thứ, và đó cũng là một lời răn đe cho các trai gái của buôn không để phạm phải.

Phạt và đền bù khi ngoại tình:Ngoại tình được người Mạ xem là phạm luật tục bị phạt nặng do dòng họ, gia đình hay làng phân xử. Thường số lễ vật bị phạt rất nặng nhằm đề cao sự chung thủy cho các đôi vợ chồng.

Phạt và đền bù khi ly dị:Theo tục lệ người Mạ, người chủ động ly hôn phải nộp lễ vật cho vợ (hoặc chồng) theo sự đòi hỏi của phía bên kia. Bên cạnh đó, Người Mạ còn có tục bỏ mã, tức vợ hoặc chồng chết sau ba năm mới được tái giá, người nào vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi lễ thách cưới trước đây.

Phạt và đền bù khi lấy thêm vợ:Theo luật tục, người đàn ông nào muốn lấy vợ hai phải nộp cho người cả một số của bồi thường rất lớn, thường là 30 ché thấp, 30 ché cao, 6 cái chiêng cổ, 3 con trâu.

Tục hứa hôn:Trước đây, tục hứa hôn (hứa gả con cái giữa các gia đình với nhau) kể cả từ lúc con còn nhỏ). Nhà trai chủ động đem một con gà, một ché rượu sang nhà gái để “bày tỏ”, nếu được nhà gái nhận coi như là đã hứa hôn, đợi người con trai 15 tuổi là làm đám cưới… tuy nhiên, việc hứa hôn ngày nay không còn phổ biến nữa.

Tục “nối dây”:Đây là tục lệ có từ xã hội cổ truyền, tức người chồng hoặc vợ vì nguyên nhân nào chết trước thì trong gia đình các thành viên khác trong anh em hai bên được kết nối sống chung thay thế. Những quy định của tục lệ này như sau: Người đàn ông có vợ chết chỉ lấy được em gái vợ chứ không được lấy chị của vợ. Phụ nữ có chồng chết thì lấy em chồng, các trường hợp trên đều phải có sự đồng ý của các đối tượng, chứ không được ép buộc. Tuy nhiên tục lệ này cũng không được phổ biến trong tình hình hiện nay.

Điều cấm khi kết hôn:Trong xã hội trước đây, hôn nhân cũng thường xảy ra trong trường hợp giữa con cô, con cậu. Tuy vậy, cũng có điều kiêng, cấm không được phép lấy nhau như: Giữa người con trai vai em với người con gái vai chị… Ngày nay, pháp luật cấm và những trường hợp hôn nhân này đã giảm dần. Giữa con chú, con bác hay giữa con bạn dì thì hoàn toàn không được phép cưới nhau…

Ngày nay, người Mạ cũng đã tiếp thu nhiều nét văn hóa hiện đại nên tục lệ hôn nhân của họ đã có nhiều thay đổi. Nhưng, một số nghi thức cưới cổ truyền như mang cồng và diễn tấu theo trong ngày cưới, trình bày về dòng họ, tổ tiên, chế độ một vợ một chồng… vẫn được duy trì như một truyền thống tốt đẹp của người Mạ từ xa xưa.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.