Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Một số công cụ sản xuất của người Sán Dìu ở Đồng Nai

Bài đăng

Một số công cụ sản xuất của người Sán Dìu ở Đồng Nai

Đồng Nai là một vùng đất cổ màu mỡ, người thưa, từ thế kỷ XVI – XVII, Đồng Nai đã thu hút lưu dân Việt từ miền ngoài vào lập nghiệp. Họ cùng và cư dân bản địa như Chơro, Châu Mạ, Xtiêng, Kơho… khai khẩn đất hoang xây dựng làng ấp. Đồng Nai ngày càng tiếp nhận thêm lưu dân người Hoa, những dân tộc di cư như: Chăm, Nùng, Mường, Thái… và Sán Dìu cũng là một dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng cùng đến cộng cư, chính sự giao thoa đan xen dung hợp văn hóa trong các dân tộc đã làm nên vùng đất Đồng Nai lắng đọng những giá trị văn hóa truyền thống

Người Sán Dìu có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc), di cư vào Việt Nam khoảng thế kỷ XVII, phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc nước ta như: Quảng Ninh, Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Sau năm 1954, người Sán Dìu di cư vào Đồng Nai định cư ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom, Thống Nhất... người Sán Dìu ở Đồng Nai hiện nay khoảng gần 1.000 người. Ở vùng đất mới, người Sán Dìu mang theo truyền thống văn hóa như: sinh hoạt sản xuất, lễ hội, cưới hỏi, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo... Cùng với sự giao lưu văn hóa với các dân tộc đã tạo nên những nét văn hóa mới của người Sán Dìu thêm đa sắc nhưng cũng rất riêng biệt.

 Người Sán Dìu sống thành từng làng, từng xóm dưới chân đồi, hay trên các con gò thấp bên cạnh các cánh đồng, lưng quay vào rừng, mặt nhìn xuống các cánh đồng, xung quanh làng có lũy tre bao bọc chẳng khác gì làng xóm người Việt. Đường đi lối lại trong làng rộng rãi, phong quang sạch sẽ, nhưng hằn đầy những vết xe quệt. Những dấu hằn ấy như một đặc điểm để phân biệt làng người Sán Dìu với làng người Việt cùng địa phương. Cách bố trí nhà cửa, vườn tược trong khuôn viên đã theo công thức V.A.C (vườn – ao – chuồng) như người dân tộc Việt.

Truyền thống kinh tế người Sán Dìu là nông nghiệp, canh tác trên những địa hình bán sơn địa. Người Sán Dìu chủ yếu làm ruộng nước, có phần nương, soi, bãi. Thêm vào đó còn có chăn nuôi, khai thác lâm sản, đánh bắt nuôi thả cá, làm gạch ngói, rèn, nổi bật là nghề đan lát rất điêu luyện và thuần thục. Trình độ canh tác của họ đã khá cao không khác gì so với dân tộc Tày – Nùng và Kinh. Họ biết sử dụng nhiều công cụ sản xuất có năng suất cao. Từ cách sử dụng cái cày, cái bừa đôi, cho đến cái hái, cái quạt thóc, con lăn để nghiền đất, chiếc xe quệt để vận tải… đều thể hiện tính sáng tạo cao. Những nghề thủ công truyền thống như đan lát, may vá, rèn đúc chỉ mang tính nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc bởi họ tạo ra không nhằm mục đích buôn bán. Và những sản phẩm đó do chính các thành viên trong mỗi gia đình làm lấy, chẳng hạn trang phục do người phụ nữ, công cụ lao động rèn đúc do nam giới đảm nhận, hay như đan lát thì cả nam giới và phụ nữ đều có thể làm được. Trong các nghề đó, đan lát là phổ biến hơn cả, các vật dụng như thúng, nia, lồng gà, chũm bắt ếch... phục vụ mọi nhu cầu trong đời sống sinh hoạt sản xuất như: xúc đựng nông sản, chăn nuôi, đánh bắt... Nhiều vật dụng tuy mang tính học hỏi về kiểu dáng, loại hình, nhưng về kỹ thuật và đặc điểm mang đậm nét riêng của dân tộc này.

Để tìm hiểu nét tiêu biểu đặc trưng của một số nông – ngư cụ dùng trong hoạt động sản xuất ta hãy điểm qua vài vật dụng độc đáo và kỹ thuật tạo ra các vật dụng này của người Sán Dìu ở Đồng Nai.

Nia sàng sảy lúa gạo là một nông cụ dùng trong đựng phơi hay sàng sảy nông sản là nia sàng sảy lúa gạo. Về kiểu dáng không khác nhiều so với nia của các dân tộc anh em khác, nhưng về kỹ thuật đan lát lại có sự khác biệt khá rõ. Nia thường được đan lát với một kỹ thuật gần như chung nhất là kiểu đan lóng nia, tức là người đan theo qui định “cất hai, áp năm”. Đây la kiểu đan khó, bởi người thợ phải đan sao cho nan dọc sẽ nổi lên dài và rõ, còn hai nan kép nổi lên ngắn và nhỏ hơn nhiều. Điều này vì mục đích sử dụng, để người sảy lúa biết hướng cầm nia cho chiều dài nan hướng về phía trước, giúp hạt lép dồn ra phía trước một cách dễ dàng và có thể hất ra bên ngoài. Nếu cầm nia ngược chiều thì hạt lép không ra được, mà lại dồn về phía bụng của người sảy lúa.

Kỹ thuật đan lóng nia thông thường đã khó, mà người Sán Dìu còn biết kết hợp nhiều kiểu đan như “lóng đôi”, “lóng ba”, “lóng năm”... là những kiểu đan có thể gọi là mới bởi cái khó và phức tạp của kiểu đan này. Nếu nhìn qua, nhiều người dễ nhầm lẫn đó là lỗi đan, nhưng khi quan sát kỹ, thì thực tế đó là sự sáng tạo, phá cách thể hiện một trình độ đan lát cao hơn, phức tạp hơn nhiều. Nhìn tổng thể, có thể thấy nia của người Sán Dìu to tròn hơn, đường đan kín và đều đặn; nhất là các đường nan đan nổi lên tạo những đường hoa văn rõ nét, sống động.

Một trong những công cụ tiêu biểu nữa là lồng gà, mà chính xác hơn là một hiện vật có tầm quan trọng và nhiều ý nghĩa, gắn liền với nghi lễ cưới hỏi - một trong những nghi truyền thống mang tính đặc trưng của người Sán Dìu. Bởi lồng gà với nhiều dân tộc khác là công cụ dùng nuôi nhốt gà hàng ngày, nhưng với người Sán Dìu, lồng gà được đan không nhằm mục đích đó, mà chỉ để dùng trong nghi lễ “gánh gà hỏi vợ”. Trong quan niệm cưới hỏi của người Sán Dìu từ bao đời nay, nếu không có “lễ gánh gà” thì xem như không phải là lễ cưới của người Sán Dìu với bất cứ lý do nào. Vì vậy, trong mỗi gia đình người Sán Dìu nếu có con trai lớn đến tuổi hỏi vợ, thì người cha sẽ tự tay đan một chiếc lồng gà.

Lồng gà về kiểu dáng và cách đan khá khác biệt, với miệng khum gắn dây mây quấn thừng hai đầu làm quai gánh hoặc xách, thân phình, đáy nở và bằng, ốp chéo thêm hai thanh tre dưới đáy cho cứng chắc. Lồng gà được đan hoàn toàn bằng lạt tre vót mỏng, ghép hai nan với nhau rồi đan lồng kiểu mặt này đan là nan ngang thì mặt khác đan thành nan chéo, tạo thành những hình lục giác như hình thoi cụt đỉnh. Sau khi hoàn tất sẽ được cất cẩn thận nơi cao ráo, đợi ngày sính lễ sang nhà gái xin dâu, thì lấy ra cho vào đó cặp gà trống thiến, cùng các lễ vật khác do nhà gái yêu cầu. Lồng gà lúc đó được trang trí bằng việc dán quanh lồng những tấm giấy đỏ, hồng, thắt nơ in hay vẽ chữ “song hỉ”. Chính vì tầm quan trọng của nghi thức này mà người ta đặt tên gọi là “lễ gánh gà”, chứ không phải là lễ “dạm ngõ”, hay lễ “đặt trầu” như các dân tộc khác. Sau lễ cưới, lồng gà được làm vệ sinh sạch sẽ rồi đem cất đi như vật kỷ niệm của đôi vợ chồng trẻ, chứ không mang ra sử dụng.

Chũm bắt ếch, cá là ngư cụ sử dụng để bắt. Ếch, cá, cua ven các sông suối, ao hồ quanh địa bàn cư trú của người Sán Dìu trên đất Đồng Nai. Chũm được sáng tạo từ những dụng cụ như lờ tôm, giỏ cá của những dân tộc sông ven sông, hồ, đầm lầy với đặc điểm chung về hình dạng là miệng nhỏ, đáy phình, hom thường là bộ phận tách rời và kín đáy. Tuy nhiên, người Sán Dìu đã tạo ra những chiếc “chũm” mang tính tổng hòa mà khác biệt. Chũm có kích thước dài, dạng ống đứng, miệng phình bầu, thon nhỏ về đáy, khi nhìn người ta dễ nhầm tưởng chúng là những lờ, giỏ làm ngược của các dân tộc khác. Đây chính là sự cải biến mang đậm tính sáng tạo, phù hợp với việc đánh bắt thủy sản vùng ven sông Đồng Nai.

Tìm hiểu kỹ thuật đan mới thấy cái hay của dân tộc này, họ đan tạo hom khum sâu vào bên trong gắn liền với khung chũm, đáy có nắp rời dùng dây thép hay dây mây gắn buộc lại. Kiểu đan tuy đơn giản với kiểu đan lóng mốt, các nan ngang dọc vót không đều nhau, tạo nên những kẽ hở nhỏ giúp cua, cá, ếch dễ dàng lọt vào. Nhìn bề ngoài khá thô, song về tổng thể và kiểu dáng khác lạ cho thấy cái mới trong kỹ thuật đan lát của người Sán Dìu. Khi đánh bắt, người ta cho mồi gắn bên trong miệng hom, rồi đặt phần miệng xuống nước sao cho hai phần chũm ngập nước, một phần trên cạn ven bờ sông (nếu bắt ếch), hay toàn bộ dưới nước để miệng hom cách mặt nước khoảng 10 - 20cm (nếu bắt cá, cua). Người ta có thể đặt chũm từ sáng đến tối hay ngược lại, qua buổi họ chỉ việc ra kiểm tra và thu hoạch các loại thủy sản đánh bắt được.

Ky xúc nông sản cũng là một trong những vật dụng mang tính học hỏi về loại hình, nhưng về kỹ thuật lại mang đậm nét riêng của người Sán Dìu. Kiểu dáng của đôi ky trông giống đôi “sà neng” gánh nông sản của các dân tộc Dao, Nùng, Khmer, Chăm... hay giống gàu tát nước của người Kinh. Sản phẩm này đã có sự cải biến về kiểu dáng trong một số chi tiết, đó là một đôi ky đơn thuần, không thanh ngang cầm tay, hay dây quang để gánh như của các dân tộc anh em khác. Khi sử dụng, họ trực tiếp dùng đôi tay năm hai bên cạp ky để xúc nông sản vừa nhanh gọn lại đỡ mất sức lao động.

Trước đây, tuy thiếu phương tiện vận chuyển nhưng người Sán Dìu chỉ phải gánh gồng khi đi chợ phiên, còn trong sản xuất như: tải phân ra ruộng, nương, chở thóc lúa hoa màu về nhà, lấy củi đốt, người Sán Dìu thường dùng chiếc xe quệt. Xe quệt cấu tạo rất đơn giản toàn bằng tre, gỗ, một đầu hơi nâng lên bởi hai càng quệt do một trâu kéo. Nó có thể sử dụng trên mọi địa hình: bờ ao, ruộng thấp, trên đồi, dưới hẻm… Từ lâu, nó đã là một phương tiện vận tải thuận lợi, thực sự giải phóng đôi vai đối với người nông dân Sán Dìu.

Có thể nói, qua một số nông cụ và ngư cụ của người Sán Dìu, ta thấy nó mang những nét riêng biệt, độc đáo mà ít thấy ở những dân tộc khác, thể hiện tính học hỏi và sáng tạo. Điều đặc biệt qua sự tìm hiểu này là dường như trong kỹ thuật đan lát, cũng như trong kiểu dáng các nông - ngư cụ của họ có gì đó có thể gọi là “ngược”. Hay chăng người Sán Dìu dã sáng tạo ra cái kỹ thuật đan lát mới gọi là “kỹ thuật ngược” từ những kỹ thuật cũ gọi là “kỹ thuật thuận”, để tạo ra những nông - ngư cụ mang nét riêng và độc đáo cho dân tộc mình.

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.