Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > LỄ HỘI XUỐNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI KHMER

Bài đăng

LỄ HỘI XUỐNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI KHMER

Dân tộc Khmer ở Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người, sống tập trung ở tại các tỉnh Nam Bộ như Trà Vinh, Bình Phước, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai,…và một số ít từ Campuchia. Cuộc sống của  người Khmer gắn liền với nghề canh tác lúa nước và nhiều nghề thủ công. Dân tộc Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ và có kiến trúc chùa tháp đặc sắc. Các lễ hội lớn trong năm là dịp để đồng bào Khmer Nam bộ thể hiện những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Trong đời sống tinh thần của họ, ngoài những lễ hội Phật giáo, người Khmer ở đây còn tổ chức nhiều lễ hội dân gian mang đậm nét truyền thống của cư dân nông nghiệp như lễ hội phá bàu, lễ hội cúng lúa mới, lễ hội thả diều, lễ hội xuống đồng.

Vào tháng 4 âm lịch hàng năm, người Khmer tổ chức làm lễ xuống đồng, khai trương một mùa vụ mới. Đây là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng nhằm cầu xin thần linh giúp đỡ, phù trợ cho một vụ mùa bội thu. Tất cả các hộ gia đình người Khmer làm lúa nước đều thực hiện nghi lễ này một cách hết sức trang nghiêm. Trong tiềm thức của người Khmer, thần đất thần nước là rất quan trọng trong tác lúa nước của họ. Lễ hội xuống đồng tiếng Khmer gọi là Sen Đây S’re, hay còn được gọi là lễ cúng ruộng, lễ cúng xuống giống. Cùng với các lễ hội dân gian khác, lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội truyền thống sản xuất nông nghiệp của người Khmer.

Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, người Khmer chuẩn bị sửa sang, chặt cây làm cày, xỏ mũi trâu, tiến hành xử lý đất, ngâm giống mạ, chuẩn bị cấy. Thời điểm này, nghi lễ xuống đồng được tiến hành.

Lễ hội xuống đồng của cộng đồng người Khmer diễn ra trong khoảng một tuần đầu tháng 4. Trong thời gian này, tất cả cac hộ gia đình người Khmer đều lần lượt thực hiện nghi lễ. Thời điểm tổ chức lễ hội được lựa chọn theo ngày sinh của chủ ruộng. Theo quan niệm của người Khmer, khi được sinh ra vào ngày nào thì đó là ngày tốt của người đó, ngày tốt này họ lấy theo ngày trong tuần (như sinh vào ngày thứ ba thì họ sẽ chọn thứ ba để tiến hành). Trong gia đình, ngày của người chồng sẽ được chọn. Tuy nhiên, nếu ba năm, làm ăn mùa màng không tốt, họ sẽ lấy ngày sinh của  người vợ. Do tập tục chọn ngày sinh trong tuần để tổ chức lễ hội nên trong mùa lễ hội sẽ có nhiều gia đình cùng tổ chức lễ cúng xuống đồng trong một ngày.

Việc các gia đình tổ chức nghi lễ xuống đồng trước hay sau không tùy thuộc vào vị thế xã hội của họ ở trong làng mà tùy thuộc vào ngày tốt trong tuần đã được chọn và công việc chuẩn bị mạ được hoàn tất.

Trước khi tổ chức lễ hội, chủ ruộng mời một người lớn tuổi trong sóc có khả năng thực hiện các nghi thức trong lễ xuống đồng. Mời già làng đến dự để chứng giám việc chủ nhà mời thần đất, thần nước, ông bà của họ cúng ruộng. Gia chủ cũng mời các chủ ruộng bên cạnh ruộng của mình cùng tham dự nghi lễ xuống đồng của gia đình. Lễ vật chuẩn bị cho lễ xuống đồng bao giờ cũng có một con gà luộc, trầu cau, cơm nếp, rượu. Thông thường, sau ba năm các gia đình sẽ tiến hành cúng heo, tùy theo lời hứa của chủ ruộng với thần linh.

Nghi lễ xuống đồng của người Khmer trải qua rất nhiều công đoạn như: chọn giống, chọn đất, làm đất gieo mạ, làm đất cấy, làm nhà chòi, chuẩn bị lễ vật để tiến hành lễ hội.

Trước ngày lễ xuống đồng, mỗi gia đình chuẩn bị làm nhà chòi tại thửa ruộng của mình để đồ dùng sinh hoạt, các vật dụng nông nghiệp, nghỉ ngơi tại ruộng, trông nom hoa màu… Thường nhà chòi là một dạng nhà sàn, làm bằng chất liệu gỗ, trẻ, mái lợp lá hoặc cỏ tranh, diện tích khoảng 9m2, trong khuôn viên ruộng. Khu vực nhà chòi và ruộng lúa cũng chính là địa điểm tổ chức lễ hội của từng gia đình.

Việc chuẩn bị mạ được người dân chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm nhiều công đoạn. Lựa chọn giống lúa để gieo mạ là bước đầu tiên trong quy trình cấy lúa của người Khmer. Lúa của người Khmer có nhiều loại như giống 9 tháng là lúa Prây sua (con voi đứng), cơm dẻo, thơm ngon; giống 6 tháng là lúa S’râu Cò mô (loại gạo cứng); lúa K’Tơ Nốt (gạo dẻo thơm), lúa Kiến Vàng S’mucproong (gạo dẻo thơm) và lúa S’Râu Nớp (lúa nếp)…

Quy trình kỹ thuật làm đất gieo mạ và đất cấy của người Khmer rất khoa học và chặt chẽ từ việc cày lật úp đất phơi cho đất ải, tháo nước vào ruộng ủ đất, khoảng một tuần sau khi đất đã mục, họ tiến hành bừa cho phẳng, làm bờ, xã nước vào đầy ruộng, gieo mạ, chờ làm lễ xuống đồng xong thì tiến hành cấy lúa.

Việc ngâm mạ và gieo mạ được tiến hành theo cách truyền thống và đúng kỹ thuật của người Khmer. Các gia đình lựa chọn thời gian ngâm và gieo mạ sao cho phù hợp với thời điểm thực hiện mùa vụ, thường từ ngày ngâm giống cho đến khi gieo khoảng ba ngày.

Đến ngày làm lễ, người Khmer chuẩn bị lễ vật để dâng cúng thần linh. Thông thường những sản vật không thể thiếu nghi lễ xuống đồng như: heo, gà, xôi, trầu cau, rượu, bông cúng, hương (nhang),… Buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa rạng, các gia đình đã thức giấc để chuẩn bị lễ vật cúng thần. Nam giới, thanh niên phụ giết heo thần. Phụ nữ chuẩn bị nấu cơm nếp, luộc gà, tiêm trầu cau, nhang đèn, trang trí mâm lễ và các vật dụng phục vụ cho buổi lễ.

Thời gian cúng bao giờ cũng vào buổi sáng trước 12 giờ trưa. Các gia đình cúng trùng ngày sẽ chủ động trao đổi sắp xếp thời gian cúng sao cho lệch giờ nhau trong buổi sáng hôm đó, với mục đích để cho già làng và mọi người có thể tham dự, chứng giám nghi lễ cúng của gia đình mình được đầy đủ.

Trong quá trình cúng lễ, nghi thức cột mạ là nghi lễ đầu tiên. Chủ lễ tiến hành nhổ mạ trong phạm vi thửa ruộng của gia đình theo các nghi thức truyền thống. Mỗi gia đình nhổ hai bó mạ và cột lại như thường lệ, sau đó đưa hai bó mạ đến bàn thờ làm lễ cột mạ. Họ dùng sợi dây tơ màu trắng dài vừa đủ để cột hai bó mạ vào nhau, sau đó đưa lên mâm lễ tiến hành lễ cúng thần linh. Mục đích của nghi lễ cột mạ là để thần linh chứng giám, cầu cho mạ giống của họ được tươi tốt, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe.

Già làng là người chứng giám toàn bộ nghi lễ, chỉ có những người đàn ông chủ gia đình mới được lên chòi làm lễ cúng thần: thần đất thần nước, ông bà tổ tiên: Gia chủ bày các lễ vật lên các mâm đã chuẩn bị sẵn ở trong các chòi, sau đó tiến hành lễ cúng thần linh. Gia chủ là người khấn vài sau đó lấy ý kiến của mọi người, cùng nhau hô vang như một lời chúc, một lời khấn cầu chuyển đến thần linh để chứng giám lòng thành và sự đoàn kết nhất trí của họ. Thủ tục khấn như thế diễn ra ba lần thì kết thúc.

Sau khi cúng ở trên chòi xong, họ tiến hành cúng cô hồn: Các gia đình sẽ lấy bốn phần lễ vật gồm xôi, thịt, cơm nếp… bỏ vào trong bốn chiếc chuyền bằng lá cây đã được chuẩn bị sẵn, hoặc gói bằng lá chuối tươi, sau đó mang đặt tại bốn góc của thửa ruộng, thắp nhang cúng các vong linh, cô hồn chứng giá, để gia đình họ yên ổn làm ăn, mùa màng được tươi tốt.

Khi các nghi thức cúng thần linh được hoàn tất, hai bó mạ được sử dụng để cúng thần linh sẽ được người dân lấy xuống để cấy trước, khi cấy hết mới sử dụng các bó mạ khác để tiếp tục cấy lúa. Thông thường, người ta chỉ cấy hết hai bó mạ cúng để lấy ngày, mọi người vui chơi ca hát mừng cho cấy lúa của họ đã được thần linh chứng giám. Ngày hôm sau, hoặc hôm sau nữa, họ mới tiến hành cấy tập trung.

Số lượng người tham gia cấy của mỗi gia đình tùy thuộc vào lượng mà và diện tích ruộng, thông thường người cấy chủ yếu là phụ nữ. Người Khmer có tục vần công, đổi công. Khi gia đình có việc, sẽ nhờ các gia đình khác đến giúp, họ sẽ ghi công lại, đến khi các gia đình khác tổ chức cấy, họ sẽ đi giúp lại.

Khi tiến hành cấy, người Khmer có quan niệm là hướng đông – hướng mặt trời mọc, đó là sự khởi đầu của một ngày mới, khởi đầu mùa vụ của quy trình cây lúa sinh trưởng. Đồng thời, họ cầu mong cây lúa của họ lớn nhanh như mặt trời mọc. Vì vậy, khi cấy, họ phải bắt đầu từ phần đất ở phía đông để cấy trước, mặt người cấy luôn phải hướng về phía mặt trời mọc trong suốt quá trình cấy lúa.

Sau khi thực hiện xong lễ cúng thần linh, các gia đình sẽ cùng nhau tham gia giao lưu tại chỗ. Thông thường, những người đàn ông trong gia đình cùng đàn ông của các ruộng hàng xóm cùng với già làng giao lưu, ăn uống những lễ vật mà họ đã cúng dâng thần linh. Cuộc nhậu có thể kéo dài hay ngắn tùy theo gia chủ nhưng thông thường phải đến chiều tối, khi bình đã khô rượu.

Lễ hội xuống đồng là lễ hội truyền thống của người Khmer mang tính cộng đồng cao, thể hiện giá trị văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Qua việc thực hiện lễ hội, các giá trị văn hóa của cư dân được bảo tồn và phát huy giá trị. Các giá trị tiêu biểu về văn hóa tinh thần của cộng đồng được thể hiện qua việc duy trì tục vần công (đổi công) trong cộng đồng, duy trì các nghi thức nghi lễ truyền thống, việc trao đổi kinh nghiệm về hoạt động sản xuất nông nghiệp… Từ đó tạo ra sự đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất và trong đời sống hàng ngày hướng đến một cuộc sống ấm no, cộng đồng ổn định, xã hội văn minh.

Nghi lễ xuống đồng của người Khmer vẫn còn được cộng đồng lưu giữ, cho dù phương thức canh tác có thay đổi, trồng lúa hai vụ hay ba vụ, nhưng mùa vụ đầu tiên vào tháng 4 âm lịch hàng năm, họ vẫn tiến hành nghi lễ xuống đồng. Tuy nhiên, các nghi thức cúng tế như cột mạ, làm nhà chòi, nghi thức cấy lúa… đã không còn nữa. Do sự biến đổi về phương thức canh tác, các nghi thức truyền thống của lễ hội xuống đồng người Khmer cũng đang dần bị mai một.

 

_ Thanh Vân_

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.