Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Trang phục của người Cơ Tu

Bài đăng

Trang phục của người Cơ Tu

Dung Nguyễn

     

      Trên tỉnh Đồng Nai, người Cơ Tu tuy chỉ có 16 người tính theo số liệu thống kê của tổng cục thống kê về điều tra dân số và nhà ở Việt nam năm 1999. Nhưng tộc người này vẫn khẳng định được vị trí rất riêng của mình trong sinh hoạt cộng đồng nhờ nét văn hóa rất phong phú và đặc trưng.Trong đó phải nói đến trang phục truyền thống khá đặc biệt của họ.

      Từ thời xa xưa người Cơ Tu có tục để ngực trần ở cả nữ giới lẫn nam giới. Phần thân dưới lúc đó được che đậy bằng vỏ cây tái chế. Dần dần theo đà phát triển cũa xã hội người Cơ Tu đã sử dụng áo, váy để che đi phần thân trên của mình, nhưng còn một số người vẫn giữ tục ‘bán lõa’ trong trang phục của họ. Ban đầu trang phục của người Cơ Tu khá là đơn giản trong màu sắc và kiểu dáng: chủ yếu là những tấm thổ cẩm trơn có họa tiết giản đơn với gam màu chủ đạo là trắng và đen. Theo quá trình hội nhập với sự phát triển của thời đại, người phụ nữ Cơ Tu đã thổi vào những bộ trang phục dân tộc với nhiều hoa văn tinh xảo và bắt mắt hơn nhờ đôi bàn tay khéo léo qua những gì họ thấy được trong cuộc sống. Hoa văn trên y phục của người Cơ tu thường là hình lá atút, chiếc dây phơi, hình ảnh ngọn chông, đám mây, điệu múa tung tung ya ya… Trang phục truyền thống của người Cơ Tu phân chia rõ ràng về giới tính và mục đích sử dụng mà ít có sự phân biệt giàu nghèo.

      Đối với nữ giới thì y phục của họ có áo, váy, yếm, dây thắt váy, dây buộc đầu. Áo của phụ nữ Cơ Tu được làm một cách rất đơn giản, họ chỉ cần gập đôi tấm vải lại, may viền hai bên và khoét cổ ở giữa, rồi khoét sâu xuống nách và không để ống tay. Phụ nữ đã lớn tuổi và có chồng thì mặc cổ áo có hình chữ V. Loại áo mặc bình thường ở nhà hay đi làm thì không có hạt cườm và hoa văn. Hôm nào có lễ hội người phụ nữ sẽ mặc loại áo có đính cườm với nhiều loại hoa văn theo nguyên tắc đối xứng nổi bật bằng chỉ màu, loại áo này rất đắt tiền, có cái có giá trị bằng cả một con trâu. Phụ nữ đã có chồng, lớn tuổi đi lễ hội sẽ mặc loại áo có gắn thêm tay phụ màu trắng. Váy thì người phụ nữ Cơ Tu có váy quấn còn được gọi là váy tấm, khi mặc sẽ quấn quanh trục thân theo chiều dài tấm vải. Nữ giới có nhiều kiểu váy dựa vào chiều dài của nó so với người mặc, có kiểu váy ngắn mép chỉ đến đầu gối, kiểu dài hơn thì che được tù ngực xuống cổ chân nên không cần mặc áo, và một loại váy ống thường mặc hàng ngày. Yếm của người phụ nữ Cơ Tu rất đặc biệt, nó chỉ là miếng vải thổ cẩm có chiều ngang khoảng 30cm vừa đủ che phần ngực của người phụ nữ. Nghĩa là nó ngắn hơn rất nhiều so với áo yếm của các dân tộc khác. Thế nhưng dây buộc đầu của phụ nữ Cơ Tu lại ngược lại, nó lại có độ dài kỷ lục nếu so với dây buộc đầu của các dân tộc bạn. Một phụ kiện không thể thiếu trên y phục của phụ nữ Cơ Tu đó là dây thắt váy. Nó có công dụng giữ cho váy khỏi tuột, và có tính thẩm mỹ rất cao. Dây được dệt bằng các sợi vải, dài 1-2m, rộng tầm 5cm, có các sợi tua dài nhiều màu ở hai đầu, được dệt cùng các loại văn hoa khá công phu và tỉ  mỉ, thể hiện được sự khéo léo, giỏi giang của những người phụ nữ Cơ Tu. Điều đó làm tôn nên nét duyên dáng, riêng biệt cho các cô gái của dân tộc này.

      Trang phục của nam giới thì có phần đơn giản hơn. Họ có áo ngắn may kiểu chui đầu, không viền cổ, áo thường màu chàm hoặc có trang trí thêm hoa văn. Loại áo này được sử dụng trong những ngày bình thường. Đàn ông ở đây có một kiểu áo rất đặc biệt là áo chữ X, với chiều dài có lúc lên tới 8m có thể vừa làm khố vừa làm áo luôn, cộng với nhiều hoa văn và hạt cườm nên nó rất nặng so với những chiếc áo bình thường của các dân tộc khác. Vào những ngày trời lạnh và lễ hội, nam nữ người Cơ Tu còn có thêm tấm choàng. Tấm choàng được trang trí hoa văn có màu chàm đậm, người ta choàng lên người chéo từ nách bên này sang nách bên kia hoặc là choàng lên vai thân phủ đến chân. Thứ không thể thiếu của nam giới đó là khố. Khi trời nóng họ chỉ mặc khố, và cũng là để dễ dàng thuận tiện trong lao động làm rẫy và săn bắn. Đàn ông có khố ngắn đến đầu gối, còn ngày lễ thì mặc khố dài đến mắt cá chân.

      Trẻ em ở đây cũng rất được quan tâm về ăn mặc. Theo tập tục thì các em có trang phục giống của người lớn với hình thức thu nhỏ. Nó thể hiện sự chăm lo của người mẹ người chị đối với con em của mình.

      Dù có một số chi tiết gần giống với các dân tộc khác trong kiểu dáng trang phục truyền thống. Nhưng bằng tất cả sự cần mẫn, khéo léo, khả năng thẩm mỹ cộng với tình cảm của mình người phụ nữ Cơ Tu đã tạo ra dấu ấn riêng biệt trong trang phục của dân tộc họ. Đó là nét tinh hoa văn hóa dân tộc mà con người chúng ta cần phải gìn giữ và phát triển.

 

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.