Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > ''Sắc thần'' vẫn được lưu giữ trong các ngôi đình ở Đồng Nai

Bài đăng

''Sắc thần'' vẫn được lưu giữ trong các ngôi đình ở Đồng Nai

Đồng Nai hiện có 118 ngôi đình, nằm rải rác ở 11 huyện, thị. Tại thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu cứ mỗi xã phường lại có một ngôi đình; sau giải phóng dự sự sát nhập giữa các làng cũ nên có trường hợp một xã có tới 11 ngôi đình tọa lạc (xã Hiệp Hòa của thành phố Biên Hòa), phường Bửu Long có 3 ngôi, xã Hiệp Phước của huyện Nhơn Trạch có 3 ngôi… các huyện còn lại là vùng đất mới nên mật độ các đình ít hơn.

Về hình thức, các sắc thần hiện đang lưu giữ tại Đồng Nai làm bằng chất liệu giấy màu vàng, in chìm hình rồng ấn trong mây, xung quanh có khung hoa văn, mặt sau có vẽ quyên thư, hoa lá. Sắc được viết bằng chữ Hán từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, bút lực sắc xảo, triện đỏ hình vuông nằm bên góc trái dưới niên hiệu vua ban sắc.

Sắc thần là văn bản truyền mệnh lệnh của vua - người đứng đầu triều đại quân chủ - phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền theo tín ngưỡng của làng xã người Việt.

Sắc thần là sự khẳng định tính hợp pháp được nhà nước phong kiến công nhận đối với thành hoàng mà người dân thờ phụng tại đình, vì thế rất thiêng liêng trong tâm tưởng của nhân dân.

Đối tượng thờ chính ở đình là Thần Thành Hoàng. Hình thức thờ là viết chữ Thần (神)bằng Hán tự vào khám thờ hoặc tường (rất ít thấy những ngôi đình ở Đồng Nai có thờ cốt tượng). Một số đình trước bàn hương án có thêm bài vị khắc mỹ tự của Thần Thành hoàng, trước bài vị là hộp đựng sắc phong của thần được phủ vải đỏ. Về đẳng trật thì Thành Hoàng còn gọi là Phúc Thần ở các đình thờ tại Đồng Nai tồn tại ở hai dạng là: Thượng đẳng thần là các bậc trung trinh ái quốc, sinh tiền có công với nước với dân, lúc mất đi được vua tinh biểu công trạng lập đền thờ, hoặc do dân chúng kính vọng tự động lập đền thờ như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên. Hiện nay, đền thở Nguyễn Hữu Cảnh là một trong số ít những di tích Biên Hòa còn lưu giữ được sắc thần, trong đó ghi rõ tên họ, chức tước vinh hiển, thứ bậc Thượng đẳng thần của vua ban phong cho ông.

Các thần này đều có công trạng hiển hách và qua bao triều đại đã có mỹ tự phong làm Thượng đẳng thần. Còn Hạ đẳng thần là các vị thần được nhân dân thờ phụng đã lâu, có công bảo bọc che chở cho muôn dân, tuy không rõ họ tên cùng sự tích, nhưng cũng được liệt vào bậc chính thần, triều đình cũng thể theo lòng dân mà sắc phong là Thành Hoàng Bổn Cảnh, mỹ tự phong làm Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng.

Sắc Thần ở Đồng Nai được phong vào các triều: Tự Đức (1848 – 1883) và Khải Định (1916 – 1925). Hiện nay số lượng sắc được bảo quản còn lại ở các đình không nhiều. Theo số liệu điền đã thống kê được 30 đạo sắc phong, gồm: 27 đạo sắc triều vua Tự Đức ngũ niên (1852) và 03 đạo sắc triều vua Khải Định nhị niên (1917). Số đình còn lại có sắc phong nhưng do hỏa hoạn, chiến tranh, trộm cắp nên đến nay đã không còn.

          Hầu hết sắc thần được làm bằng loại giấy Kim tiên màu vàng, khổ giấy có chiều dài từ 1,2m đến 1,6m và chiều rộng khoảng 0,6m. Mặt giấy có in chìm hình rồng ẩn trong mây bằng dụ ngân, chung quanh có khung hoa văn hình học. Mỗi sắc Thần thường có từ 5 đến 11 hàng dọc chép bằng chữ Hán từ phải qua trái theo lối chân thư sắc nét. Dòng cuối cùng đề niên hiệu triều vua, ngày, tháng, cấp sắc phong. Ấn hình vuông của vua với son phụng màu đỏ đóng chồng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay trên đầu rồng in chìm bên dưới, giữa dòng chữ kể từ chữ niên trở xuống. Ấn hình vuông có bốn chữ viết theo lối triện là “Sắc Mệnh Chi Bảo”.

          Mỗi triều đại vua phong một loại sắc riêng, mỗi loại sắc riêng ấy có kết cấu nội dung, hình thức về cơ bản giống nhau; có khác nhau là tên thôn, tổng, phủ, huyện, tỉnh, tên Thần, các mỹ tự, niên hiệu được gia tặng mà thôi.

          Trước kia sắc Thần đựng trong hộp, thường để ở hương án thờ Thần tại đình, sau này do bị mất cắp nên chỉ còn một số Sắc để ở đình, số còn lại đem cất tại nhà của Chánh tế đương nhiệm. Thường thì hộp sắc này mỗi năm chỉ được mở một lần vào dịp Kỳ yên để khán sắc và phơi sắc dưới bóng râm chống ẩm rồi lại cất vào. Đối với mỗi người dân thì Sắc Thần có một ý nghĩa rất quan trọng, thiêng liêng; nên muốn khai sắc phải có sự bàn bạc, thống nhất của ban quý tế và được diễn ra trong lễ hội Kỳ yên dưới sự chứng kiến của mọi người. Có địa phương cứ 3 năm tuyên sắc một lần, sắc được đặt tại bàn Hội đồng, ông Trưởng lễ và kỳ lão mở ra xem; 12 vị cao niên khăn đóng áo dài đem sắc ra phơi ngoài bóng râm dưới sự hộ tống của hai người giỏi võ nghệ; phơi xong cuộn sắc lại bằng ba lớp giấy hồng đơn, bỏ vào trong ống sắt và đặt vào hộp sắc, quấn lớp vải đỏ bên ngoài; sau cùng an vị tại bàn thờ Thần.

          Trong lễ hội cúng đình, ngoài những nghi thức vốn trở thành điển lệ ở mỗi đình như: Trình sanh, Túc yết, Đoàn cả, Tiền hiền hậu hiền, thì Thỉnh sắc là một trong những nghi thức quan trọng nhất; được thực hiện đầu tiên trong lễ cúng. Nghi thỉnh sắc được mở đầu bằng một hồi trống lệnh báo hiệu cho dân làng biết để đến đi thỉnh sắc. Khi mọi người tụ tập đông đủ, hiệu lệnh xuất phát là ba hồi chiêng, trống. Đi đầu đám rước là hai học trò lễ thỉnh nhang đèn, tiếp theo là chánh tế, phó tế đương nhiệm tay bưng khay rượu lễ, kế đó là trống lệnh, chiêng đi song song nhau. Long đình (ngôi đình thu nhỏ) được bốn học trò lễ khiêng đi tiếp theo; sau long đình là các chức sắc trong làng và nhân dân cùng tham gia. Khi đám rước đến nơi giữ sắc, thành viên trong ban tế tự thực hiện các nghi: Tựu vị (Hương chức vào chỗ cử hành lễ). Quán tẩy (rửa mặt, rửa tay). Thuế cân (lau mặt, lau tay). Phần hương (đốt hương). Cúc cung bái tứ bái (khom mình cung kính lạy bốn lạy). Hưng bình thân (đứng lên nghiêm minh). Chước tửu (châm rượu). Cúc cung bái nhị bái (khom mình cung kính lạy hai lạy). Hưng bình thân (đứng lên nghiêm mình). Chước tửu (châm rượu). Giai quỵ (tất cả đều quỳ). Chúc cáo từ (đọc lời chúc cáo). Cáo viết (cáo rằng). Tư trị đông thiên kỳ an lệ đáo, phụng nghinh Thần sắc (nay gặp buổi trời đông đáo lệ cũng lễ kỳ yên, phụng nghinh Sắc Thần). Cẩn cáo (kính cẩn cáo báo). Phủ phục (quỳ mọp xuống). Hưng bình thân (đứng lên nghiêm mình). Chước tửu (châm rượu). Cúc cung bái nhị bái (khom mình cung kính lạy hai lạy). Hưng bình thân (đứng lên nghiêm mình). Lễ tất (lễ xong). Sắc được thỉnh vào long đình, đi quanh xóm làng với tâm nguyện là Thần luôn thấu tỏ, nhỏ nhiệm mà hiển ứng, luôn hiện hữu trong từng ngõ ngách của xóm làng, người dân hễ cầu tất ứng, có cảm tất thông.

          Sắc sau khi thỉnh về được an vị tại bàn thờ Thần tại đình trong suốt quá trình diễn ra lễ hội Kỳ yên (tổ chức một hoặc hai ngày tùy điều kiện mỗi đình); sau đó hồi sắc về chỗ cũ (thực hiện giống nghi thức thỉnh sắc).

Thực trạng hiện nay nhiều đạo sắc phong bị xuống cấp do quá tôn trọng sắc mà Ban quý tế cũng như người dân không giám khai sắc, không hiểu về nội dung của từng đạo sắc, hoặc do lệ của từng địa phương mà ba năm mới tuyên sắc một lần; qua năm tháng thì mối mọt hủy hoại mục nát. Thực tế nhiều ngôi đình qua nhiều đời truyền lại hàng năm không có lệ khai sắc; hiện nay khi mở ra, sắc đã bị mối xông mất một nửa phần dưới hoặc mưa làm mục lỗ chỗ hay bị đạo tặc lấy mất. Các đạo sắc phong đều do nhân dân tự bảo quản một số để tại đình và có thủ từ (người giữ đình) trông coi, cũng có khi đem gửi ở nhà Chánh tế đương nhiệm, hoặc nhà người một kỳ lão trong làng. Đạo sắc phong thuộc sở hữu của mỗi đình, của người dân, do người dân tự giác bảo quản bằng những lệ, những quy định riêng của mỗi làng. Trong tình hình hiện nay, việc bảo tồn loại hình sắc phong chủ yếu dựa vào ý thức của người dân là chính. Các cơ quan quản lý về văn hóa cũng chỉ giúp người dân phương pháp bảo quản, phiên âm, dịch nghĩa nội dung hàm chứa trong từng đạo sắc phong; hiểu được giá trị văn hóa, lịch sử, chứ không thể thay người dân lưu giữ hoặc sưu tầm đem về bảo quản được.

Ngoài những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa; các đạo sắc phong còn có ý nghĩa thiết thực trong việc nghiên cứu về thư tịch học, văn bản học, ngôn ngữ học, cách in ấn thủ công, pha chế mực…; nó vừa mang yếu tố tâm linh vừa hiện hữu giữa cuộc sống thường nhật. Với chức năng, vai trò của mình các đạo sắc phong đang góp phần khôi phục, duy trì theo nếp xưa, làm phong phú thêm hoạt động lễ hội dân gian tại các ngôi đình trên mảnh đất Đồng Nai.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.